Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia, trong đó có Huawei. Cùng với đó, Google cũng chính thức ngừng cấp phép Android cho hãng điện thoại này.
Mặc dù đây không phải là lệnh cấm hoàn toàn đối với các thiết bị Huawei nhưng việc bị đưa vào danh sách đen sẽ khiến điện thoại Huawei không thể cập nhật Android đồng thời ảnh hưởng đến các thiết bị khác của hãng trong tương lai.
Hệ điều hành Android không chỉ là nền tảng chức năng của nhiều thiết bị thông minh mà còn có cửa hàng Google Play, nơi cung cấp tất cả các ứng dụng phổ biến của Google như Gmail, YouTube và Google Maps cũng như một danh sách ứng dụng phổ biến ngày càng tăng của bên thứ ba. Bởi vậy, động thái này khiến người dùng Huawei không khỏi xôn xao, lo lắng.
Tuy nhiên, Huawei dường như cũng đã chuẩn bị một “kế hoạch B” cho một tương lai không có Android khi được cho là đang phát triển hệ điều hành di động của riêng mình.
Trích dẫn từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Global Times cho biết Huawei đang phát triển một hệ điều hành “cây nhà lá vườn” của riêng mình mang tên “HongMeng OS” từ 7 năm trước. Đây được ví như “kế hoạch B” để đối phó với viễn cảnh bị Mỹ và Google “cấm vận” mà Richard Yu, người đứng đầu Tập đoàn kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã đề cập trong cuộc phỏng vấn với trang tin Die Welt của Đức vào tháng 3 năm 2019.
Dù Huawei có xây dựng hệ điều hành của riêng mình hay không, công ty vẫn có một rào cản rất lớn phía trước.
Tiến sĩ Wang Chenglu, chủ tịch Kỹ thuật phần mềm kinh doanh tiêu dùng của Huawei từng chia sẻ với truyền thông Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018 rằng trong khi bản thân việc phát triển một hệ điều hành không khó, thì hệ sinh thái cùng các ứng dụng hỗ trợ mới là rào cản lớn nhất để Huawei xây dựng và kích hoạt một nền tảng riêng.
Các nền tảng di động nhất thiết phải cần đến một hệ sinh thái lành mạnh, đặc biệt là khi nói đến ứng dụng. Thiếu sự hỗ trợ từ ứng dụng có thể coi là điềm báo trước sự thất bại của bất kỳ hãng công nghệ nào muốn bước chân vào thị trường nền tảng di động. Đây cũng luôn là vấn đề lớn nhất đối với nền tảng di động Windows của Microsoft.
Samsung đã từng thử sức mình vào năm 2015 khi cung cấp các điện thoại chạy trên hệ điều hành riêng của công ty có tên Tizen nhưng kết cục cũng không khác Microsoft là mấy. Tizen đã không thể trở nên phổ thông và bị đánh giá như “một bản sao rỗng của Android”. Đó cũng chính xác là những gì mà hệ điều hành của Huawei phải đối mặt.
Hệ điều hành của Huawei có thể làm tốt ở Trung Quốc nhưng lệnh cấm Android của Google sẽ khiến điện thoại này kém hấp dẫn ở những nơi khác.
Người dùng điện thoại thông minh ở Trung Quốc có thể quen với việc sử dụng các điện thoại Android mà không đi kèm Cửa hàng Google Play bởi từ trước đó, nhiều ứng dụng và sản phẩm của Google đã bị cấm ở quốc gia này.
Tuy nhiên, ở nơi khác, khi mà việc truy cập vào Google Play và các ứng dụng phổ biến của bên thứ ba đã trở nên phổ biến thì người tiêu dùng khó có thể chấp nhận viễn cảnh điện thoại thông minh Huawei không có quyền truy cập vào ứng dụng họ muốn.
Bởi vậy, thiếu sự hỗ trợ của Google có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh toàn cầu của Huawei, đặc biệt là khi hãng này đang là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn hàng đầu trên thế giới.
Các báo cáo cho thấy điện thoại Huawei vẫn có thể chạy trên phiên bản Android cơ bản với giao diện EMUI của riêng mình, nhưng điều đó sẽ không giúp công ty này thay đổi cục diện.
Công ty có thể sẽ áp dụng phiên bản Android nguồn mở và đơn giản. Giao diện riêng của Huawei chạy trên Android được gọi là EMUI, có khả năng khiến lệnh cấm của Google không còn tác động nhiều đến người dùng. Huawei vẫn có thể được sử dụng như bình thường, ít nhất là đối với người tiêu dùng Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ Google cho các tính năng mới, gồm các bản cập nhật cũng những phiên bản Android trong tương lai, Huawei sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để mang các tính năng cao cấp cho điện thoại thông minh của mình.
Tương lai với chiếc điện thoại thông minh màn hình gập của Huawei cũng trở nên mù mờ. Một trong những sản phẩm mới của Huawei được mong chờ nhất đó là chiếc điện thoại thông minh màn hình gập Mate X, đối thủ tiềm năng của Galaxy Fold (Samsung). Tuy nhiên, việc mất đi sự hỗ trợ từ Google sẽ khiến cho quá trình phát triển và ra mắt sản Mate X trở nên mù mờ hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn đang leo thang, những diễn biến khó lường có thể sẽ khiến Huawei phải đối mặt thêm nhiều thách thức hơn nữa và đòi hỏi công ty phải có phương án giải quyết nhanh chóng cho các vấn đề này nếu muốn duy trì đà tăng trưởng cũng như thị phần của mình.