Phương tiện cá nhân tăng nhanh, đầu tư hạ tầng giao thông chưa theo kịp, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông ở Thủ đô.
UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thường trực HĐND thành phố về công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố, trong đó nêu 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải. Cụ thể, dân số của Hà Nội hiện trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10 trên 7,8 triệu, trong đó ôtô khoảng 1,1 triệu, môtô khoảng 6,8 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.
Khu vực lối xuống đường vành đai 2 trên cao đoạn giáp Ngã Tư Sở thường xuyên ùn tắc.
“Phương tiện cá nhân tăng 4-5% nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông 0,6%, luôn chới với chạy theo mà không bao giờ đuổi kịp”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nói.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải dẫn chứng quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 (quy hoạch 519 phê duyệt tháng 3/2016) dành nguồn lực 1,3 triệu tỷ đồng cho hạ tầng giao thông nhưng mới đạt 325 nghìn tỷ đồng (khoảng 25%). Kế hoạch đầu tư trung hạn của thành phố 2020-2025 dành cho hạ tầng giao thông cũng khoảng 225 nghìn tỷ nhưng mới triển khai được hơn 130 nghìn tỷ đồng (gần 58%).
Ông Thường cho rằng, thiếu nguồn lực đầu tư dẫn đến nhiều chỉ tiêu trong quy hoạch 519 không đạt. Ví dụ, diện tích dành cho giao thông hiện 12-13% (quy hoạch 20-25%); diện tích dành giao thông tĩnh mới đạt 0,5% (quy hoạch 3-4%).
Nguyên nhân thứ hai là đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, cầu qua sông Hồng còn thiếu… Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285 km, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).
Tuy nhiên, vành đai 5 chưa triển khai; vành đai 4 đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2027; vành đai 3,5 đang triển khai nhưng chưa làm được toàn tuyến do khó khăn giải phóng mặt bằng; vành đai 3 còn phía Bắc chưa thông đường; vành đai 2,5 cũng mới làm được một số đoạn; vành đai 2 còn chưa triển khai đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy; vành đai 1 vẫn chưa giải phóng được mặt bằng đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục.
Quy hoạch 519 đưa chỉ tiêu đến năm 2030 xây dựng 11 cầu mới qua sông Hồng, trong đó giai đoạn 2016 – 2020 xây dựng các cầu Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… nhưng hiện tất cả các cầu trên chưa được triển khai.
Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thành 5 tuyến đường sắt đô thị (Ngọc Hồi – Yên Viên; Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; Cát Linh – Hà Đông; Nhổn – ga Hà Nội) nhưng hiện mới có tuyến Cát Linh – Hà Đông hoạt động. Kế hoạch xây dựng 4 tuyến buýt nhanh BRT nhưng cũng mới có một tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa đi vào sử dụng.
Việc chậm hoàn thành các loại hình vận tải công cộng và hành khách đi xe buýt giảm dẫn đến chưa hoàn thành chỉ tiêu về giao thông công cộng 30-35% (chỉ đạt 19,5%). Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, thành phố hiện có 132 tuyến xe buýt trợ giá, do 3 năm bị dịch Covid-19 nên sản lượng vận tải hành khách công cộng giảm, năm 2022 là 334 triệu lượt, năm 2023 dự kiến đạt 400 triệu lượt nhưng chưa đạt ngưỡng của năm 2019 là 410 triệu lượt.
Nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến ùn tắc giao thông. Thống kê có 38 tuyến đường bị thu hẹp, điển hình như dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên – An Dương giai đoạn 2 trên trục đường Âu Cơ – Xuân Diệu; nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; cầu vượt tại nút giao Mai Dịch; hầm chui Kim Đồng; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường vành đai 3. Đặc biệt, các hạng mục thi công của dự án nhà máy nước thải Yên Xá chạy dọc trục Lê Trọng Tấn, Trần Phú, Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Xiển thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Lô cốt” phục vụ thi công hạng mục của nhà máy nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Trãi gây ùn tắc.
Các tuyến đường giao thông trục chính, cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế, chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm, tai nạn cũng dẫn đến ùn tắc giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải, lưu lượng mỗi ngày đêm qua nhiều cầu đều gấp nhiều lần so với thiết kế như Chương Dương khoảng 95.000 phương tiện, gấp 8 lần; Thanh Trì 120.000 phương tiện, gấp 4 lần; Nhật Tân 107.000 phương tiện, gấp 6 lần.
Vào giờ cao điểm ở các tuyến đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng…, lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,8 lần so với thiết kế. Nút Ngã Tư Sở có lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện một giờ, nhưng hiện lên đến 8.000, nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Sở Giao thông Vận tải cho rằng, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông, cần bổ sung camera để tăng cường phạt nguội. Dẫn chứng, TP HCM tăng từ 50 đến hơn 11.000 camera đã giúp giao thông trên địa bàn thành phố cải thiện rõ rệt.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý bất cập trong tổ chức giao thông và giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, điểm đen về tai nạn giao thông.
Năm 2022, thành phố có 35 điểm ùn tắc, ngành giao thông xử lý được 8 điểm nhưng phát sinh 10 điểm, tồn tại 37 điểm ùn tắc; năm 2023 xử lý được 11/37 điểm và phấn đấu xử lý thêm 1-2 điểm từ nay đến cuối năm, tuy nhiên có thể phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường nhận định từ nay đến cuối năm, tình trạng ùn tắc ngày càng nhiều, do vậy hàng tuần Sở đều chủ trì cuộc họp riêng về vấn đề này. “Tuy nhiên, các giải pháp tổ chức giao thông, xén dải phân cách, vỉa hè… chỉ giải quyết phần ngọn, căn cơ là phải ưu tiên đầu tư xây dựng cầu vượt, hầm chui ở những nút giao thông trọng điểm”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nêu.
Kỳ họp 14 HĐND TP Hà Nội (từ ngày 5 đến 8/12) sẽ dành một ngày để chất vấn nhiều nhóm vấn đề, trong đó có việc thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn thành phố.