Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2020 (5/6) là “Đa dạng sinh học” nhấn mạnh sự cấp thiết, tham vọng và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên.
Ảnh minh họa
Ngày Môi trường thế giới diễn ra hàng năm vào ngày 5 tháng 6. Đây không chỉ là ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc (LHQ) mà còn là sự kiện môi trường quốc tế thường niên hết sức quan trọng được Việt Nam hưởng ứng từ 1982 nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trong những năm qua, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia, tổ chức tham gia.
Theo Chương trình Môi trường của LHQ, năm 2020 là năm dành cho sự cấp thiết, tham vọng và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên, là cơ hội để kết hợp đầy đủ hơn các giải pháp dựa trên thiên nhiên vào hành động khí hậu toàn cầu.
Đây cũng là một năm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học, với việc Trung Quốc tổ chức cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước LHQ về đa dạng sinh học ở Côn Minh, tạo cơ hội để năm tiếp theo bắt đầu Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của LHQ (2021-2030), nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và đa dạng sinh học.
Báo cáo mang tính đột phá trong năm 2019 của nhóm nghiên cứu “Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái” cho thấy dự báo các diễn tiến tiêu cực đối với các hệ sinh thái và đa dạng sinh học sẽ làm suy yếu tới 80% tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ liên quan đến nghèo đói, y tế, tiêu dùng, sản xuất bền vững, nước, đô thị, khí hậu, đại dương và đất đai.
Hai nước Colombia và Cộng hòa Liên bang Đức sẽ thể hiện vai trò đi đầu. Colombia được liệt kê là một trong những quốc gia có hệ Đa dạng sinh học khổng lồ của thế giới, duy trì gần 10% đa dạng sinh học của hành tinh.
Colombia cũng là quốc gia đứng đầu về đa dạng các loài chim và phong lan, đứng thứ hai về thực vật, bướm, cá nước ngọt và lưỡng cư. Đất nước này có một số khu vực có tính đa dạng sinh học cao trong hệ sinh thái Andean, với nhiều loài đặc hữu đáng kể, là một phần của rừng nhiệt đới Amazon.
Hiện nay, 1 triệu loài thực vật và động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đây là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để các quốc gia trên thế giới tập trung vào vấn đề đa dạng sinh học, phát triển các chính sách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật./.