Bộ LĐ-TB-XH cho biết đối thoại, thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được quy định lần đầu trong Bộ Luật Lao động năm 2012 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 và tiếp đến là Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 để quy định chi tiết và hướng dẫn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Các nghị định nói trên quy định cụ thể các nguyên tắc về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, đặc biệt là những nội dung người sử dụng lao động phải công khai và những nội dung người lao động được tham gia ý kiến, kiểm tra và giám sát; số lượng, thành phần và quy trình tổ chức đối thoại.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quy định về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể: các quy định về đối thoại được quy định dựa trên mô hình 1 tổ chức Công đoàn là đại diện duy nhất cho NLĐ trong doanh nghiệp (DN), chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Bộ Luật Lao động năm 2019 cho phép trong DN được thành lập nhiều hơn một tổ chức đại diện của NLĐ; chưa hình thành được các quy định rõ ràng về xác định số lượng, thành phần đại diện của các bên khi tham gia vào các loại hình đối thoại nhất là ở những DN có đông lao động và trong bối cảnh DN có nhiều hơn một tổ chức đại diện của NLĐ.
Từ những thực tế trên, Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế. Đáng chú ý, theo dự thảo, NSDLĐ phải công khai với NLĐ những nội dung về tình hình sản xuất – kinh doanh; nội quy, quy chế liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của NLĐ; thỏa ước lao động tập thể mà NSDLĐ tham gia; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do NLĐ đóng góp (nếu có). Đặc biệt, việc trích nộp kinh phí Công đoàn, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng phải được công khai với NLĐ.