Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Các doanh nghiệp như Niterra và THACO đang dẫn đầu trong việc áp dụng công nghệ xanh và cải tiến quy trình sản xuất, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa linh kiện và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi theo hướng xanh hóa
Một chiếc ô tô được cấu tạo từ hơn 30.000 chi tiết, linh kiện, phụ kiện và rất nhiều trong số đó do các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất, cung ứng. Do đó, để sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường thì mỗi chi tiết cấu thành cũng phải được sản xuất trong dây chuyền “xanh”.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang mô hình thân thiện với môi trường. Bởi nếu thành công, doanh nghiệp đó sẽ tỏa sáng và ngược lại sẽ mất lợi thế cạnh tranh.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường
Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Niterra Việt Nam (trước đây là NGK Spark Plug). Nổi tiếng với sản phẩm bugi, hiện tại, sản phẩm mang thương hiệu NGK này đang chiếm lĩnh 100% thị phần OEM tại Việt Nam, trên 80% thị phần tại mảng thị trường thay thế. Tuy nhiên, hiện nay Công ty đang nỗ lực chuyển mình, mở rộng sang các sản phẩm công nghệ sinh học và linh kiện ô tô thân thiện với môi trường. Niterra đã đầu tư rất lớn để thay đổi công nghệ, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới xây dựng hệ sinh thái an toàn, thân thiện với môi trường.
Niterra đã cam kết áp dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất các chi tiết và linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, và thân vỏ xe. Đặc biệt, công ty đang tích cực hợp tác với các hãng ô tô lớn trên thế giới để lựa chọn những loại phụ tùng mà Việt Nam có thể sản xuất. Điều này không chỉ giúp Niterra khẳng định vị thế trong ngành mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ông Trần Thanh Kha, Giám đốc Công ty TNHH Niterra Việt Nam cho biết, tại nhà máy chính của tập đoàn, toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất đã được xanh hóa. Toàn bộ khí CO2 sản sinh đều được xử lý một cách tối đa. Tất cả không gian, bài trí, robot, tự động hóa đều hướng đến triết lý chung là thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh, sạch. Điều đó cũng đang hiện diện tại Niterra Việt Nam.
Ngoài Niterra, một doanh nghiệp khác đáng chú ý là THACO – Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải cũng đang có những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô. THACO đã thành lập các trung tâm R&D và các cụm sản xuất để đảm bảo khả năng cung ứng linh kiện cho các dòng xe ô tô sản xuất trong nước. Với việc đầu tư vào công nghệ và con người, THACO đang hướng tới việc cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đang phụ thuộc tới 80% linh kiện nhập khẩu
Hướng đi bền vững cho tương lai
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô theo hướng xanh hóa và bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp cần có những thay đổi trong chiến lược sản xuất. Việc áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất sẽ không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đang phụ thuộc vào việc nhập khẩu tới 80% linh kiện phục vụ sản xuất. Hiện tại, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô tại Việt Nam còn hạn chế, với chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế.
Trong số này, có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp chuyên sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, cùng với 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, tổng số chi tiết mà các doanh nghiệp trong nước sản xuất và gia công vẫn chưa vượt quá 300 chi tiết. Điều này là rất thấp so với tổng số khoảng 30.000 chi tiết linh kiện có trong một chiếc xe.
Để quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nêu rõ những vấn đề còn tồn tại của ngành công nghiệp ô tô. Bản dự thảo khẳng định để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, cần phải xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp linh kiện và phụ tùng cho việc sản xuất các loại xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và các nguồn năng lượng xanh khác.
Dự thảo cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo… của các nhà đầu tư trong nước, nhằm đảm bảo nguồn vật liệu đầu vào cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Việc thu hút đầu tư vào các phân ngành chế tạo cơ bản như tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu cho linh kiện, phụ tùng ô tô cũng được coi trọng. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra những định hướng cụ thể như xác định và thiết lập các đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư vào các dự án lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cũng khuyến khích sản xuất các dòng xe thân thiện với môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học và xe chạy điện, nhằm đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Việc phát triển theo hướng xanh hóa và bảo vệ môi trường sẽ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng một nền công nghiệp bền vững.