Theo Thông tư 53/2024 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ 1/1/2025, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường sẽ có màu tem kiểm định riêng.
Xe điện có tem kiểm định riêng từ năm 2025
Điều 9 thông tư nêu rõ, theo loại năng lượng sử dụng, xe cơ giới (trừ rơ moóc và sơ mi rơ moóc) được phân loại như sau:
Xe cơ giới chỉ có động cơ sử dụng nhiên liệu xăng hoặc điêzen.
Xe cơ giới thân thiện môi trường là xe cơ giới sử dụng năng lượng hoặc công nghệ giúp giảm phát thải carbon trực tiếp khi vận hành so với xe cơ giới thông thường nêu tại khoản 1 của Điều này (như xe sử dụng nhiên liệu CNG, xe hybrid điện nhẹ MHEV, xe hybrid điện hoàn toàn FHEV hoặc SHEV, xe hybrid nạp điện ngoài PHEV).
Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh thân thiện môi trường là xe cơ giới không phát thải trực tiếp các-bon khi vận hành (như xe thuần điện PEV hoặc BEV, xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy PFCEV hoặc FCEV, xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô).
Đối với dấu hiệu nhận biết, Thông tư 53/2024 quy định xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường khi tham gia giao thông được nhận biết bằng tem kiểm định có nền màu xanh lá cây.
Chi tiết mẫu tem sẽ được quy định tại Thông tư quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Thông tư cũng lưu ý rằng, các phương tiện giao thông đường bộ đã được phân loại và xác định trong thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới nhập khẩu; giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục sử dụng để thực hiện thủ tục nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo, đăng ký và kiểm định xe.
5 năm nữa chỉ có taxi điện
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, hồi năm 2022 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT.
Quyết định nêu rõ, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối với xe chạy dịch vụ, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; từ năm 2030, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đặc biệt, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Mặt khác sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Các chuyên gia nhận định GTVT là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất Hà Nội, chiếm gần 70%, nhất là sự phát thải từ ô tô, xe máy và các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4-5 lần so với lúc bình thường.
Để giải quyết vấn đề, từ năm 2025, TP. Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế hoạt động của ô tô, xe máy xăng, tiến tới mục tiêu dừng hoạt động của xe máy xăng ở các quận vào năm 2030, tăng cường hoạt động của xe điện và các phương tiện giao thông công cộng xanh.
Tại Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố gửi HĐND thành phố, UBND TP Hà Nội đề nghị hạn chế hoặc cấm ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ hoặc khu vực. Thành phố cũng sẽ ban hành các loại phí và lệ phí với các phương tiện có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp”.
Theo Tiền Phong