Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của Techcombank cho thấy tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng sụt giảm mạnh. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn trong quý 1 đạt 72.173 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Ngày càng nhiều ngân hàng tham gia vào cuộc đua CASA, chi phí để duy trì tỷ lệ CASA ở mức cao sẽ ngày càng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư ngân hàng số và chính sách khuyến khích phí một mặt có thể giúp các ngân hàng hỗ trợ CASA nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động và chi phí thanh toán.
Tỷ lệ CASA của Techcombank, theo đó, cũng giảm từ mức 32,9% xuống còn 30,7%. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Techcombank theo đuổi chiến lược ‘zero fee’, CASA của ngân hàng này có mức sụt giảm mạnh như vậy.
Dù vẫn duy trì tỷ lệ CASA ở mức cao so với mặt bằng chung của ngân hàng, cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, Techcombank được xem là ngân hàng đi đầu trong việc miễn phí giao dịch cho khách hàng hay hoàn tiền cho các giao dịch thanh toán qua thẻ.
Những lợi ích lớn mà Techcombank cung cấp thúc đẩy khách hàng của nhà băng này duy trì số dư tiền mặt lớn trong tài khoản, không chỉ để trả nợ mà còn thanh toán trực tuyến, chuyển tiền, mua sắm online. Techcombank chấp nhận giảm bớt lãi thu từ hoạt động dịch vụ để tăng CASA, từ đó huy động được một nguồn vốn lớn giá rẻ.
Chiến lược của Techcombank tỏ ra thành công khi tỷ lệ CASA của ngân hàng này đã tăng từ 22,6% trong năm 2016 lên mức đỉnh 32,9% vào cuối năm 2019. Đây là tỷ lệ CASA trong nhóm đầu của ngành ngân hàng, ngang bằng với Vietcombank hay MB.
Mặc dù vậy, theo thời gian, ngành ngân hàng dịch chuyển sang bán lẻ và các ngân hàng cũng nhận thấy tầm quan trọng của CASA. Kết quả, một cuộc đua giảm phí diễn ra giữa các ngân hàng.
Kể từ năm 2019, nhiều ngân hàng đã bắt đầu áp dụng mức phí 0 đồng – miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch chuyển khoản, in sao kê, thậm chí là rút tiền ngoại mạng tại ATM cho khách.
Chẳng hạn, cuối năm ngoái, ngân hàng Tiên Phong (TPBank) tuyên bố miễn toàn bộ phí chuyển tiền online tới tất cả ngân hàng thương mại tại Việt Nam khi khách hàng giao dịch trên ứng dụng Internet banking – TPBank eBank.
Đồng thời, khi dùng thẻ TPBank rút tiền tại các máy ATM trên toàn quốc, trừ một số ngân hàng nước ngoài, chủ thẻ cũng sẽ không tốn phí.
Ngân hàng Nam Á cũng miễn 100% phí rút tiền, chuyển tiền và một số loại phí dịch vụ khác cho khách hàng mở tài khoản thanh toán và giao dịch tại ngân hàng. Đối với kênh ngân hàng điện tử, nhà băng này miễn phí chuyển khoản trong hệ thống và liên ngân hàng 24/7 cùng các loại phí dịch vụ Internet banking, SMS banking, Mobile banking và Open banking.
Còn ngân hàng Bản Việt thì cho biết miễn toàn bộ phí chuyển tiền trên Internet banking, Mobile banking với hạn mức giao dịch trong ngày lên đến 1,5 tỷ đồng trong vòng 3 tháng cho các chủ thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng của nhà băng này đăng ký và sử dụng thêm dịch vụ ngân hàng điện tử.
Cuộc đua giảm phí không chỉ diễn ra ở khối ngân hàng tư nhân. Cả những ông lớn với tỷ lệ CASA ‘khủng’ cũng không bỏ qua chiến lược này. Theo đó, từ 15/11 đến hết năm 2020, chủ thẻ ghi nợ nội địa Vietcombank sẽ được giảm 500 đồng trên mỗi giao dịch rút tiền mặt ngoài hệ thống. Mức phí mới sẽ là 2.500 đồng một giao dịch, thay vì 3.000 đồng (chưa gồm thuế GTGT) như trước đây.
Sang đến năm 2020, khi kinh tế gặp ảnh hưởng bởi đại dịch, hoạt động cắt giảm phí của Vietcombank thậm chí còn diễn ra quyết liệt hơn nữa.
Tính từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần công bố giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng với mục tiêu giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kết quả, tỷ lệ CASA của Vietcombank trong quý 1 chỉ sụt giảm nhẹ từ mức 30,7% xuống còn 29,4%.
Quay trở lại với Techcombank, mặc dù miễn phí giao dịch là cách để tăng CASA hiệu quả, song nó cũng phải đánh đổi khi các ngân hàng phải hi sinh thu nhập từ phí dịch vụ.
Các chính sách miễn phí cũng làm hạn chế tăng trưởng thu nhập từ hoạt động thanh toán và chính sách hoàn tiền cũng khiến chi phí thanh toán tăng nhanh hơn.
Với Techcombank, thu thuần từ thanh toán của Techcombank chỉ tăng không đáng kể so với các ngân hàng khác. Ngân hàng này cũng từng cho biết, hiện nay phần chi phí vốn tiết kiệm được nhờ tăng CASA chỉ đủ bù đắp phần tăng lên của chi phí thanh toán, tức ngân hàng chưa thu được lợi nhuận trực tiếp từ việc này. Như vậy, thực tế lợi ích thu được chủ yếu sẽ là gián tiếp trong dài hạn, như mở rộng thu hút khách hàng và tăng cường sự gắn bó với ngân hàng.
Khi ngày càng nhiều ngân hàng tham gia vào cuộc đua CASA, chi phí để duy trì tỷ lệ CASA ở mức cao sẽ ngày càng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư ngân hàng số và chính sách khuyến khích phí một mặt có thể giúp các ngân hàng hỗ trợ CASA nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động và chi phí thanh toán, lợi ích từ CASA cũng sẽ giảm dần. Để duy trì tính bền vững, các ngân hàng sẽ cần có chiến lược đầu tư và cạnh tranh hiệu quả để duy trì CASA và thu được lợi ích trong dài hạn.