Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa tổng kết Dự án “Phát triển dự án tín chỉ các-bon thí điểm trong lĩnh vực giao thông vận tải”. Sau thời gian triển khai, dự án đã hỗ trợ phát triển 4 tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức các đối thoại chính sách cấp cao, nâng cao năng lực cho hơn 200 người, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia của phụ nữ.
Dự án cũng thực hiện các thí điểm xe điện tại nhiều địa phương và triển khai chương trình vay ưu đãi giúp 325 người dân tiếp cận xe máy điện đồng thời đánh giá và theo dõi giảm phát thải.
Theo ông Vũ Thái Trường, quyền Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, thành công của dự án không chỉ dừng lại ở các con số mà còn là bài học kinh nghiệm quý giá để mở rộng các sáng kiến giao thông xanh và xây dựng chính sách hiệu quả hơn. Những kết quả này cũng tạo cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu và mở rộng các giải pháp giao thông phát thải thấp trong tương lai.
Theo kiểm kê khí nhà kính năm 2016, ngành giao thông vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 11% tổng phát thải quốc gia. Nếu không có các giải pháp hiệu quả, lượng phát thải này có thể tăng lên 88 triệu tấn CO2, tương đương vào năm 2030.
Việt Nam đang thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải, với mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.
Theo chuyên gia của UNDP, xe máy – phương tiện chiếm 90% tổng số phương tiện giao thông cá nhân cả nước – sẽ đóng vai trò trọng yếu trong quá trình này.