Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để quản lý bằng số định danh. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đổi mới này.
Quản lý bằng số định danh
Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp 44 Uỷ ban Thườn vụ Quốc hội, chiều 22/4, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, một trong những chính sách lớn của dự án Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Theo đó, dự thảo Luật đã bỏ các quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Cư trú hiện hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021) để làm cơ sở cho việc quản lý công dân thông qua số định danh cá nhân. Các cơ sở dữ liệu phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt. Bên cạnh đó là việc liên quan đến nhiều thủ tục hành chính và quan hệ dân sự khác mà các luật khác đang điều chỉnh.Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, sự thay đổi này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Đây cũng là phương thức quản lý cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển, được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.
Góp ý vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý dòng dịch chuyển lao động, cư trú trong tình hình mới khác trước rất nhiều nên việc xây dựng luật là thực sự cần thiết.
Dự thảo thể hiện nhiều điểm mới trong tư duy quản lý như việc bỏ sổ hộ khẩu để quản lý bằng số định danh cá nhân và nếu làm được là bước tiến. Tuy vậy, bà đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc bỏ sổ hộ khẩu vì liên quan đến nhiều vấn đề luật khác đang điều chỉnh, từ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, cấp phép xây dựng, cho đến báo tử.
“Khổ sở vì sổ hộ khẩu”
Nhấn mạnh thay đổi phương thức quản lý dân cư là chủ trương rất lớn, phù hợp với Chính phủ điện tử, là xu hướng chung của các nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặt vấn đề tính sống còn của đạo luật này liên quan trực tiếp đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh. Hiện mới có 16 triệu số định danh được cấp nên chỉ khi nào hoàn thành thì luật mới thực sự có hiệu lực. Cùng với đó là khả năng kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đổi mới trong dự thảo luật vì xu hướng quản lý bằng số định danh là tiến bộ. Nhiều nước không có sổ hộ khẩu. Đây là bước chuyển quan trọng, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thì còn giúp Nhà nước ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư.
“Nói đến sổ hộ khẩu là người dân khổ sở. Người nghèo lên thành phố làm thuê nhưng con cái khó học tập vì sổ hộ khẩu, đi đâu cũng kè kè sổ” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Tuy nhiên, khi thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang số định danh sẽ tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều quy định về giấy tờ, thủ tục hành chính đang thực hiện nên cần rà soát để đảm bảo phù hợp khả thi, luật ra đời không bị vướng mắc ách tắc.
Báo cáo thêm về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết vừa qua đã báo cáo Chính phủ, đủ điều kiện tháng 4/2021 đưa vào hoạt động và đến tháng 6/2021 hoạt động bình thường. Hiện cơ sở dữ liệu cập nhật 80 triệu phiếu dân cư, 16 triệu số định danh cá nhân cơ bản đang được cập nhật vào hệ thống. Vấn đề này trước đây gặp khó khăn do thiếu ngân sách nhưng nay Chính phủ bảo đảm kinh phí và công việc đang được tiến hành.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất dự án Luật Cư trú đủ điều kiện trình Quốc hội cho ký kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 khi đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng./.