Nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ khu vực nhà nước và tư nhân.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của PGS.TS Bùi Quang Tuấn và TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, rất khó định lượng các khoản đầu tư cần thiết vì việc này đòi hỏi phải xác định và tính toán được chi phí của các biện pháp thích ứng không chỉ ở các ngành kinh tế khác nhau mà còn ở các khu vực địa lý cụ thể.
Với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi ro BĐKH ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022-2050. Chi phí có thể phát sinh thêm từ nhu cầu nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như từ các khoản đầu tư mới cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu.
Xử lí cấp bách sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ và xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoảng 3-4% GDP trong giai đoạn 2021-2025. Có thể suy ra tổng chi phí khoảng 228-266 tỷ USD tính đến năm 2050. Tổng chi phí ước tính có khả năng cao hay thấp hơn thực tế do có thể không phản ánh chi phí thích ứng phát sinh thêm trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến nhiễm mặn và hạn hán gia tăng.
Chi phí giảm thiểu tính dễ bị tổn thương thông qua các hệ thống cảnh báo sớm và các chương trình khắc phục thiên tai ước tính khoảng 0,3-0,7% GDP mỗi năm, dựa trên đánh giá gần đây của Ngân hàng Thế giới, tương đương khoảng 22-53 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2050.
Nhìn chung, tổng nhu cầu tài chính bổ sung của Việt Nam để nâng cấp tài sản quốc gia, trang bị thêm và nâng cấp hạ tầng hiện có và hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp xã hội khi thực hiện cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng “0” có thể lên đến 342-411 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2050 theo giá trị hiện tại ròng (NPV), tức khoảng 4,5-5,4% GDP mỗi năm.
Ước tính này dựa trên sự chênh lệch giữa nhu cầu tài chính đã nêu ở trên và các khoản chi hiện có liên quan đến khả năng thích ứng. Giá trị hiện tại ròng nêu trên được tính toán trên cơ sở mức tỷ lệ chiết khấu 6% theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới áp dụng cho các phân tích kinh tế. Tỷ lệ chiết khấu xã hội (SDR) thông thường được sử dụng để tính toán giá trị hiện tại của các khoản chi phí và lợi ích xảy ra trong tương lai.
Trong bối cảnh hoạch định chính sách ứng phó với BĐKH, các tỷ lệ chiết khấu này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tính toán giá trị các khoản đầu tư mà xã hội phải thực hiện ở thời điểm hiện tại nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Mặc dù không có con số ước lượng mức chi hiện nay từ khu vực tư nhân, nhưng Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho BĐKH ước tính mức chi đầu tư liên quan đến khí hậu để xây dựng khả năng chống chịu vào khoảng 25% ngân sách đầu tư của Chính phủ, tức 1,5% GDP. Mức tài trợ từ nguồn tài chính công hiện nay cho các chương trình ứng phó thiên tai, BĐKH là khoảng 0,3% GDP.
Để đầu tư thêm cho các biện pháp thích ứng cần khoảng hơn 410 tỷ USD theo giá quy đổi về năm 2020, có nghĩa là mỗi năm cần khoảng 12-15 tỷ USD đầu tư thêm.
Đây là nguồn lực rất lớn đối với Việt Nam khi thu nhập vẫn ở mức trung bình thấp, thường xuyên chịu thiên tai do BĐKH, kinh tế vừa bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Nếu nguồn lực tài chính có sẵn, việc chi cho ứng phó với BĐKH không ảnh hưởng đến việc chi cho hoạt động phát triển kinh tế – xã hội khác của đất nước thì thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK và các nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường, phát thải bền vững sẽ mang lại những tác động tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh và bền vững.
Trước tình hình đó, Việt Nam cần phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế để gia tăng thu nhập bình quân đầu người và thu hẹp khoảng cách về thu nhập với các quốc gia trên thế giới. Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số và xã hội số cũng sẽ là trọng tâm trong các hoạt động phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
Hạn chế sản lượng sắt, thép, xi măng, lúa gạo và thịt ở mức đủ dùng trong nước mà không xuất khẩu do đây là những ngành nghề tiêu hao nhiều năng lượng hoặc phát thải nhiều khí nhà kính. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao năng suất và trữ lượng các bon của rừng trồng thông qua chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn (5-7 năm) sang rừng trồng chu kỳ dài (10-15 năm), hạn chế xuất khẩu gỗ…
Đặc biệt, để đáp ứng các nhu cầu tài chính, Việt Nam hiện có 3 con đường tiềm năng như PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra:
Thứ nhất, dồn lực theo đuổi các nỗ lực khuyến khích đầu tư tư nhân, cả vào công nghệ mới và cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu hơn. Vì vậy, cần ưu tiên xanh hóa khu vực tài chính vì nó chỉ tương đương khoảng 0,2% GDP năm 2020.
Điều này có nghĩa là các ngân hàng huy động tín dụng xanh, phát triển các công cụ dựa trên thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro như bảo hiểm và các cách thức mới để chia sẻ gánh nặng rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư nhân nhằm khuyến khích đầu tư trong bối cảnh tính bất định cao.
Thứ hai, tăng tài trợ từ ngân sách bằng cách nâng cao nguồn thu bổ sung thông qua thuế các bon hoặc bằng cách đi vay ở các thị trường trong và ngoài nước, trong giới hạn cần thiết để tránh gánh nặng nợ cho Chính phủ trong tương lai.
Cuối cùng, huy động thêm nguồn thu từ các nguồn tài chính quốc tế, bao gồm các tổ chức đầu tư và các nhà tài trợ đa phương và song phương, đồng thời khai thác FDI và kiều hối.