Câu chuyện về chuyển đổi xanh trở nên sôi động và như giấy thông hành cho các doanh nghiệp bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển bền vững này và bắt buộc phải có phương án, lộ trình để giải bài toán chuyển đổi kép.
Công nghệ số giúp sản xuất xanh và sự tăng trưởng xanh của doanh nghiệp, tạo sự bền vững vượt trội. Đồ họa: Thạch Lam
Doanh nghiệp bắt nhịp cuộc chơi
Đại diện cho các doanh nghiệp ngành dệt may, ông Đặng Vũ Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Phong Phú (PPJ Group) – cho biết, công nghệ số giúp sản xuất xanh và sự tăng trưởng xanh của doanh nghiệp, tạo sự bền vững vượt trội. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi kép là thử thách lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tiềm lực còn hạn chế.
Đơn cử, tại PPJ hiện nay lộ trình điều chỉnh các chỉ số phát triển bền vững theo yêu cầu của khách hàng giai đoạn từ năm 2023 – 2030, cần đảm bảo tái chế 70% nguồn nước thải từ các sản phẩm dệt may, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu xanh lên 50%, hoặc tăng việc sử dụng nguồn hóa chất xanh lên 90% – mức độ gần như tuyệt đối…
“Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn cần hoàn thiện hơn nữa” – ông Hùng chia sẻ.
Ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH – lấy ví dụ về phát triển bền vững tại TH như hệ thống Chip AfiTagTM đeo ở chân bò để theo dõi sức khỏe, sản lượng sữa, thời điểm động dục, từ đó quản lý sinh sản cho bò sữa… Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Hải, doanh nghiệp gặp phải thách thức lớn là tư duy chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện.
“Cần có những chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ để khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thông sang mô hình ứng dụng công nghệ số và các mô hình xanh, tuần hoàn” – ông Ngô Minh Hải cho biết.
Song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Theo TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
“Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể” – Viện trưởng CIEM khẳng định.
TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV – cho hay, cần song hành chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, vì hai nhân tố này tương trợ, bổ trợ cho nhau vô cùng chặt chẽ.
Đề cập đến những việc cần làm trước mắt càng sớm càng tốt, TS Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp hiện mong chờ ba điều từ cơ quan quản lý. Một là, danh mục phân loại xanh vẫn chưa có. Từ danh mục phân loại xanh mới có tài chính xanh, tín dụng xanh… Hai là, đề án kinh tế tuần hoàn CIEM tư vấn từ tháng 6.2022 nhưng 2 năm vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể phát triển kinh tế tuần hoàn. Ba là, khơi thông nguồn lực, thể chế và cơ chế chính sách.
“Về lâu dài, cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để cải thiện năng suất lao động. Thứ hai, đẩy mạnh khoa học công nghệ. Mặc dù là ngành mũi nhọn, nhưng vẫn chưa có cơ chế thử nghiệm sandbox để phát triển fintech, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Bên cạnh đó, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ cần sớm thông qua để chuyển đổi số tốt hơn. Thứ ba, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh cần nguồn lực hỗ trợ, ngoài cơ chế chính sách” – TS Cấn Văn Lực kiến nghị.
Theo ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam hiện đứng thứ 2 khu vực ASEAN về giao dịch điện tử, chỉ sau Indonesia, quốc gia có dân số đông gấp 3 lần Việt Nam. Theo HSBC, ước tính chi phí chuyển đổi sang Net Zero toàn cầu là 3,5 nghìn tỉ USD/năm. Riêng Việt Nam cần 400 tỉ USD đến 2040 để đưa phát thải ròng về 0. Trong đó, 2 lĩnh vực có tiềm năng lớn ở Việt Nam là điện gió và điện mặt trời.
Theo Lao Động