Hiện nay, với khoảng 70% dân số cả nước tập trung sinh sống, nông thôn Việt Nam đang trên con đường đổi mới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, đã đạt được kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất.
Nhờ chương trình xây dựng NTM nhiều làng quê thay áo mới
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh thành, thị trong cả nước, thì hầu hết các xã nông thôn mới đang trong xu thế phát triển, mở thêm nhiều loại hình dịch vụ, mô hình kinh tế, kèm theo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhiều nơi chưa bố trí được điểm tập kết rác thải xây dựng.
Công tác quản lý môi trường làng nghề còn nhiều bất cập; việc xả rác, nhất là rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định vẫn diễn ra. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xả thải không bảo đảm vệ sinh môi trường và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Cùng với đó là phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi, giao thông, vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng mô hình mới bảo vệ môi trường lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục, xử lý ô nhiễm, khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thân thiện môi trường tại các xã nông thôn mới trên cả nước.
Nông thôn mới, sức sống mới
Để triển khai hiệu quả, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM đã đề ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể trong chương trình xây dựng NTM.
Đồng thời, các địa phương tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM phải hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững. Đối với các tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM phải chỉ đạo các xã điểm để làm cơ sở rút kinh nghiệm trên diện rộng; Huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn; Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp…
Như vậy, việc thực hiện Chương trình tổng thể về xây dựng NTM là cần thiết, đã phát huy được nội lực và ngoại lực của khu vực nông thôn, hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, từ chính sách đến triển khai là cả lộ trình để thực hiện sát với thực tế.
Chính vì vậy, trong định hướng triển khai, cần có những nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh những quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất giữa chính sách và thực thi chính sách, nhờ vậy mới phát huy thực sự hiệu quả, phục vụ mục tiêu nông thôn đổi mới.