Trong thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện An Dương (Hải Phòng) đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thu được những kết quả đáng phấn khởi. Nhờ đó, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn huyện An Dương được đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao rõ rệt.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp – dịch vụ. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, kéo theo sự phát triển của các ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, vận tải, cơ khí. Trên địa bàn huyện, các dự án công nghiệp – dịch vụ đi vào hoạt động đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Một góc phố huyện An Dương
Nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất tại các xã, đến nay, hệ thống lưới điện hạ thế đã được nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; gần 50% số trường đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất văn hoá được đầu tư nâng cấp từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Bộ mặt nông thôn được chỉnh trang, nhà ở dân cư được xây mới, cải tạo và nâng cấp theo hướng hiện đại.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trung bình từ 1,5 – 2%/năm; tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần qua các năm nhưng năng suất, chất lượng nông sản liên tục tăng. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp trên 2 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,22%; chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân được nâng cao.
Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng hoàn thiện về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng. Tình làng, nghĩa xóm được phát huy; an ninh trật tự xã hội trong nông thôn được giữ vững; lòng tin của dân với Đảng, chính quyền được nâng cao.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Dương mạnh dạn xác định những mục tiêu lớn hơn, cao hơn, như: Xây dựng nông thôn có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; có kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu xây dựng huyện An Dương đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; nâng cao chất lượng môi trường, giữ vững an ninh trật tự xã hội, nâng cao sức mạnh và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Có thể nói, một trong những việc làm đáng ghi nhận hiện nay trong công tác bảo vệ môi trường chính là các địa phương xây dựng nông thôn mới không chỉ thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, mà còn xây dựng nông thôn xanh – sạch – đẹp gắn với những con đường tràn ngập sắc hoa.
Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là một trong 19 tiêu chí về XDNTM. Trong 19 tiêu chí quy định theo Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, môi trường thuộc tiêu chí số 17, trong đó có đề cập đến 5 nội dung. Đó là tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất – kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh – sạch – đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Một trong những địa phương làm tốt công tác này là huyện An Dương. Về các xã nông thôn mới của huyện An Dương hôm nay sẽ cảm nhận được ngay sự đổi thay của diện mạo nông thôn, ngoài thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, còn hình thành nên những tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu góp phần tôn thêm vẻ đẹp cho vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, gắn với các công trình xanh – sạch – đẹp này là công tác cải tạo vườn tạp giúp nông dân tăng thêm thu nhập, việc làm và hơn cả chính là ý thức BVMT của người dân được phát huy. Đặc biệt, cùng với xây dựng các tuyến đường hoa bên các con đường giao thông, huyện An Dương còn kiên quyết xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là cách làm hay nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong công tác BVMT
Ở An Dương việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn đã đạt những kết quả tích cực như: tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng lên; việc thu gom, xử lý rác được quan tâm; người dân nâng cao ý thức không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là cảnh quan được cải tạo xanh – sạch – đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn vẫn còn xảy ra, một số hộ dân chưa có thói quen thu gom rác để xử lý, chưa xây dựng nhà vệ sinh tự hoại theo quy định, chăn nuôi nhỏ lẻ, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý xả thải ra cống rãnh, sông gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ, lâu dần ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, vẫn còn một lượng không nhỏ các túi nylon, vỏ lọ hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi chưa xử lý triệt để. Các cơ sở sản xuất – kinh doanh đa phần nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, việc xử lý môi trường chủ yếu là tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Những hạn chế trên là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường.
XUÂN HIỀN