Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe thì việc chuyển đổi, cải tiến sản phẩm theo hướng xanh là yêu cầu bắt buộc, bao gồm cả lĩnh vực mỹ phẩm.
Sản phẩm xanh ngày càng được ưa chuộng
Thị trường sản phẩm xanh tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững.
Thường xuyên mua các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, chị Nguyễn Thảo Vy (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn thực phẩm cũng như các sản phẩm tiêu dùng hiện như dầu gội, nước rửa tay… của gia đình chị là phải có nguồn gốc tự nhiên, xanh, sạch và an toàn sức khỏe.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm mỹ phẩm xanh
“Trước đây, tôi thường sử dụng những sản phẩm phổ thông không quan tâm nhiều đến nguồn gốc thành phần. Tuy nhiên, sau khi nhận thức sâu sắc hơn về sức khỏe và tác động môi trường, cô bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm có chiết xuất tự nhiên và thân thiện với môi trường như dầu gội thảo mộc, kem dưỡng từ tinh dầu hoa cỏ”, chị Vy chia sẻ.
Thực tế, theo báo cáo thị trường của Nielsen, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) khoảng 24% trong giai đoạn 2021-2027. Đáng chú ý, sự bền vững đã trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân. Thị trường mỹ phẩm “sạch” dự kiến đạt giá trị 22 tỷ USD vào năm 2027. Do đó, chiến lược Net Zero đã trở thành yếu tố chen chốt trong các kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp trong ngành.
Doanh nghiệp mỹ phẩm vào cuộc đua
Để giải quyết nhu cầu về các sản phẩm xanh ngày càng tăng của người tiêu dùng, hàng loạt các thương hiệu, nhà sản xuất mỹ phẩm như: Mỹ phẩm Sài Gòn, Cocoon, Cỏ mềm, ThoraKao… đã nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất xanh bằng cách áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, loại bỏ nhiều thành phần không tốt.
Ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing và phát triển thị trường, Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết, thời gian qua, công ty đã mạnh tay đầu tư nhà máy, công nghệ hiện đại, lắp đặt hệ thống điện mặt trời để xanh hóa sản xuất.
Doanh nghiệp mỹ phẩm ngày càng chú trọng sản xuất xanh
Để làm được điều này, đơn vị đã nghiên cứu sâu về nhu cầu thị trường và nhận thấy sau đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng chuyển sang sản phẩm hướng về thiên nhiên; từ đó sản xuất sản phẩm có yếu tố thiên nhiên, như dầu gội có thành phần thảo mộc, tinh dầu bưởi, hà thủ ô…
“Hiện những sản phẩm có thành phần tự nhiên đưa ra thị trường đều đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 10%. Đây là tín hiệu khả quan, giúp doanh nghiệp có thêm động lực để tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm xanh trong thời gian tới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, việc chuyển đổi xanh không chỉ Mỹ phẩm Sài Gòn mà các doanh nghiệp khác cũng gặp nhiều khó khăn về chi phí đầu tư, công nghệ. Theo đó, để có thể thực hiện một số hoạt động như trên thì chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chuyển đổi bao bì không hề nhỏ. Đây là một bài toán khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, khi vừa phải đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa cung cấp sản phẩm chất lượng mà giá thành phải hợp lý.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhìn nhận, việc chuyển đổi xanh dang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường. Theo PGS.TS Bùi Thị An, bước đầu chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, vì chi phí cho chuyển đổi xanh là không nhỏ, trong khi doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh là phải có lợi nhuận.
“Chúng ta cũng đã có những sách thúc đẩy chuyển đổi xanh nhưng chưa mạnh mẽ, chưa đồng bộ và tạo sức hút lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong cơ chế chính sách giúp các doanh nghiệp chuyển đổi thành công”- PGS.TS Bùi Thị An phân tích.