Ngày 12/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thông tư quan trọng này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 13/3. Theo đó, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn sẽ bao gồm số dư nợ gốc và lãi phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính trong thời gian từ ngày 23/1 đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19…
Theo báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng gửi về Ngân hàng Nhà nước, số dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tạm tính là 926.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng dư nợ nền kinh tế. Với số dư nợ này, các doanh nghiệp có khả năng không thể trả nợ đúng hạn.
Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho vay mới 5.493 khách hàng với tổng số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng nhận định, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động lớn tới kinh tế trong nước, nhất là đối với hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, nông nghiệp, điện tử, da giày, dệt may, thương mại nội địa, đầu tư… Việc tạm hoãn các dự án đầu tư mới đã ảnh hưởng lớn sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Việc ban hành Thông tư này sẽ giúp các ngân hàng cũng như doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây là một trong những căn cứ pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục có được các nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, vượt quá khó khăn hiện nay cũng như trong tương lai.
Thông qua Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo cơ chế thuận lợi nhất để các ngân hàng được chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng.
Theo Phó Thống đốc, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay lần này không chỉ để thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ mà còn thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, “Đã là chính sách, ưu đãi thì phải đúng đối tượng và phải tránh được việc lợi dụng, từ cả doanh nghiệp và ngân hàng”.
Vì vậy, để triển khai hiệu quả, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến cũng như tác động của dịch để có giải pháp triển khai, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng triển khai Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước một cách nghiêm túc; đồng thời các tổ chức tín dụng đã đăng ký thì thực hiện tốt chương trình hỗ trợ tín dụng để chia sẻ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Phía ngân hàng cũng xác định ưu tiên cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Đây là lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước cho rằng sẽ rất cần sau khi hết dịch Covid-19. Mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm từ 0,5 – 1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường”.
Mặc dù chưa công bố thời điểm hạ lãi suất, song Phó Thống đốc cho biết mức giảm sẽ “tương đối tích cực”. Ngoài việc xem xét giảm lãi suất điều hành, đại diện Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại sự kiện cho biết cũng có chủ trương giảm phí thanh toán cho các tổ chức tín dụng và thành viên tham gia thanh toán trên thị trường. Cụ thể, sẽ giảm thêm 50% phí hiện nay của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Các khoản phí thanh toán do NAPAS cung cấp cũng sẽ giảm trong thời gian tới.
“Điều này giúp các tổ chức tín dụng và thành phần thanh toán qua hệ thống có thể tiết kiệm thêm chi phí và dùng phần đó để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.