Mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với Quý IV.2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Theo lãnh đạo Hội môi giới bất động sản, tình hình thị trường bất động sản quý 1/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Riêng đối với các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, Hội môi giới cho biết trong quý 1 sản phẩm mới chào bán ra thị trường rất hiếm, có một số ít các giao dịch đến từ các dự án đã chào bán trước đó.
Trước tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, gặp gỡ, tụ tập đông người; tạm ngưng cấp visa đối với toàn bộ người nước ngoài vào Việt Nam cùng với các khó khăn tồn tại từ trước của thị trường, lãnh đạo Hội môi giới cho biết có hiện tượng “ngủ đông” của hầu hết các hoạt động trên thị trường bất động sản.
Hiện nay, 100% các sàn bất động sản đều chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch.
Trong đó, với dự án nhà ở: Tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Tuy nhiên, giao dịch chỉ đạt 7.641 sản phẩm. Tức là tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%.
Theo ghi nhận từ các khu vực, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.
Trước những khó khăn nêu trên, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ đưa các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ đã phê duyệt vì nhóm này thực chất cũng chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Ngoài ra, trực tiếp và thực chất hơn các khoản hỗ trợ cho các sàn giao dịch và môi giới bất động sản như: Hoãn tiền thuê đất; hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau khi hết dịch 12 tháng để doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ và trả lương cho người lao động; Tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh…
Thực tế khó khăn của thị trường bất động sản đã được nhiều chuyên gia, tổ chức đề cập đến từ năm 2019. Năm 2020, nhiều nhận định cho rằng cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các địa phương trong việc tháo gỡ nút thắt về pháp lý sẽ khiến thị trường khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, không như kỳ vọng, dịch Covid-19 với sức tàn phá toàn cầu đã tác động khá nghiêm trọng đến kinh tế, trong đó có bất động sản. Covid-19 được ví như một “cú bồi” khiến thị trường đã khó lại càng khó thêm.
Cụ thể, về tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết có 11/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với mức tăng lên tới 69%.
Bên cạnh đó, trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chọn cách “ngủ đông” để cố gắng cứu vãn tình hình.
Minh chứng cho điều này, Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, xu hướng này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.
Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là: Kinh doanh bất động sản, có 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019.